Khi bắt đầu với thú chơi bể cá thủy sinh nước ngọt hoặc nước mặn bạn sẽ luôn bắt gặp một thuật ngữ: Nitrogen Cycle (vòng tròn hay chu trình Nito) nó rất quan trọng góp phần chính để tạo lên một bể cảnh khỏe mạnh dưới sự hỗ trợ qua lại giữa các nhóm vi sinh vật trong bể. Các thuật ngữ nghe có vẻ khoa học, đôi chút khó hiểu nhưng đừng sợ tôi sẽ giúp bạn hiểu dễ dàng trong vài dòng ngắn gọn dưới đây, giúp bạn tạo môi trường vui vẻ và lành mạnh cho vật nuôi dưới nước.
Chu trình Nitơ cho bể cá là gì?
Hiểu đơn giản chu trình Nito là quá trình các vi sinh vật hữu ích sẽ phân hủy các hợp chất Nito có hại (phân hủy từ chất thải hữu cơ trong bể như thức ăn thừa, phân cá tép, thực vật thối rữa…vv) thành các dạng Nito không độc hại đối với động thực vật trong bể cá thủy sinh.
Các giai đoạn của chu trình Nito diễn ra như thế nào?
Về cơ bản bạn có thể hiểu chu trình nito trở qua các giai đoạn như sau: Chất thải hữu cơ trong bể như thức ăn thừa, phân cá tép, thực vật thối rữa…vv phân hủy tạo ra => Amonia => Nitrit (No2) => Nitrat (No3)
- Giai đoạn 1 (Amonia): Chất thải hữu cơ phân hủy tạo ra Amoniac (NH3), đây là dạng khí rất độc đối với động vật. Giai đoạn này kéo dài khoảng 10 ngày sau khi setup bể và bạn tuyệt đối không thả động vật thời gian này. Amoniac tích tụ cho đến khi vi khuẩn ăn nó bắt đầu hình thành, bể của bạn có thể bị đục. Khi nồng độ amoniac tăng đột biến và bắt đầu giảm, bạn biết mình đang bước vào giai đoạn thứ hai.
- Giai đoạn 2 (Nitrit): Khi có Amoniac trong bể, một nhóm vi khuẩn tên là Nitrosomonas sẽ phân hủy Amoniac để tạo thành Nitrit (No2), chúng thuộc loại vi khuẩn hiếu khí cần nhiều oxy để oxy hóa Amoniac, Nitrosomonas hoạt động mạnh mẽ trong môi trường nhiệt độ từ 25°C đến 30°C và độ pH trong nước từ 6.0 đến 9.0 (tối ưu là 7.8 – 8.0), chúng cư trú chủ yếu ở vật liệu lọc và bề mặt chất nền của bể cá nơi có dòng chảy mạnh đi qua mang theo nhiều oxy . Cũng giống như giai đoạn đầu tiên, bạn sẽ phải tăng mức độ nitrit cho đến khi một đàn vi khuẩn hình thành để loại bỏ chúng. Bạn sẽ thấy mức nitrit bắt đầu tăng vào cuối tuần đầu tiên hoặc trong tuần thứ hai sau đó giảm dần dần, giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ ngày thứ 10 đến thứ 20. Nitrit cũng là một chất rất độc đối với động vật nên bạn vẫn chưa nên thả động vật vào bể trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 3 (Nitrat): Ở cuối giai đoạn 2, khi lượng Nitrit tích lũy trong nước sẽ xuất hiện nhóm vi khuẩn Nitrobacter oxy hóa Nitrit độc hại thành Nitrat (No3) vô hại nhưng nếu No3 tích lũy quá nhiều trên 40ppm chúng cũng có thể bắt đầu gây bất lợi cho động thực vật trong bể tùy từng loài. Nitrobacter cũng là vi khuẩn hiếu khí nên cần một lượng lớn khí O2 để tiền hành quá trình oxy hóa, chúng hoạt động tốt trong môi trường nhiệt độ từ 25°C đến 30°C và độ pH từ 7.3 đến 7.5, chúng cư trú chủ yếu ở vật liệu lọc và bề mặt chất nền của bể cá nơi có dòng chảy mạnh đi qua mang theo nhiều oxy. Ở cuối giai đoạn 3 khi mức nitrit và amoniac sẽ về ~0ppm thì bể của bạn đã được coi là hoàn thành chu trình Nito, vào khoảng ngày 30 khi nồng độ No3 tăng cao bạn nên thay nước 30% để giảm nồng độ và sau khi thay nước bạn cũng có thể bắt đầu quá trình thả cá hoặc động vật một cách an toàn.
Kiểm soát nồng độ No3 bằng cách nào?
Nitrat không độc ở nồng độ thấp, nhưng nếu đạt trên 40ppm (tùy thuộc vào loài), chúng sẽ trở nên độc hại. Vì vậy, bạn sẽ cần theo dõi mức độ trong bể cá của mình. Phương pháp bạn có thể sử dụng để kiểm soát No3:
- Thực hiện thay nước định kỳ 20-50% hàng tuần, tùy thuộc vào mức độ tích lũy nitrat. Điều này cũng sẽ có lợi cho bể của bạn bằng cách loại bỏ các chất như DOC (hợp chất hữu cơ hòa tan), chất thải của cá và bổ sung các chất hòa tan mà thực vật và động vật của bạn có thể cần.
- Nếu bạn sở hữu một bể cá nước ngọt, bạn có thể trồng các loại cây thủy sinh để hấp thụ nitrat hoặc tạo một lớp nền sâu, nơi không có oxy để vi khuẩn kỵ khí khử nitrat thành khí nitơ vô hại
- Đối với bể nước mặn: lò khử nitrat, đá sống hoặc nền cát sâu là nơi cư trú của vi khuẩn kỵ khí khử nitrat phân hủy nitrat thành khí nitơ vô hại
Chu trình Nitơ không bao giờ kết thúc
Chu trình Nito diễn ra liên tục và không bao giờ kết thúc, vì vậy để đảm bảo một hệ thống thủy sinh phát triển khỏe mạnh bạn phải hiểu và duy trì chu trình đó bằng cách thường xuyên theo dõi và kiểm soát các yếu tố tố hóa học trong nước như: Amoniac, No2, No3 tránh việc tích lũy quá lớn ngoài khả năng xử lý của vi sinh và gây hại cho đời sống của động thực vật trong bể.