Phòng và diệt rêu tảo hại trong bể thủy sinh hiệu quả nhất

Tảo hại là một phần tất yếu trong bể thủy sinh, bất kỳ bể nào dù ít nhiều đều có tảo hại. Tuy nhiên, ở những bể khỏe mạnh chúng được kiểm soát hiệu quả để không bùng phát làm ảnh hưởng đến sức khỏe của động thực vật cũng như thẩm mỹ của bể cá.

Bể cá thủy sinh có thể xuất hiện nhiều loại rêu tảo hại khác nhau, mỗi loại xuất hiện sẽ báo hiệu cho bạn biết yếu tố nào đang gây ra sự mất cân bằng trong bể của bạn. Trong bài này, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn cách phòng tránh và diệt rêu tảo hại trong bể thủy sinh hiệu quả nhất bằng cách hiểu những yếu tố cốt lõi giúp một hệ thống thủy sinh khỏe mạnh, nếu không nắm vững những kiến thức này thì dù bạn có diệt xong thì tảo hại cũng sẽ nhanh chóng quay trở lại trong thời gian ngắn, hãy luôn ghi nhớ phòng tránh luôn tốt hơn là tìm cách tiêu diệt.

Cách phòng rêu tảo hại

Tảo hại và sức khỏe thực vật là 2 mặt đối lập với nhau, tảo khỏe thì cây yếu và ngược lại cây khỏe sẽ ngăn cản sự xuất hiện của tảo hại, bằng cách tạo ra một môi trường tốt cho thực vật phát triển chính là phương pháp kiểm soát tảo hại hiệu quả nhất trong hệ thống thủy sinh. Sức khỏe của cây trồng ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính: Hệ vi sinh +  Ánh sáng

Hệ vi sinh

Theo chúng tôi yếu tố quan trong nhất để một hệ thống thủy sinh khỏe mạnh là việc thiết lập và theo dõi hệ vi sinh đảm nhiệm vòng tuần hoàn Nitrogen một hệ vi sinh trưởng thành sẽ trung hòa các chất độc hại cho sinh vật của bạn như: Chất thải hữu cơ, Amoniac, Nitrit, Nitrat…vv đây là thức ăn mà tảo hại yêu thích, nếu nó được triệt tiêu thì tảo hại sẽ ít có khả năng xuất hiện.

Vi sinh rất nhạy cảm với các loại hóa chất diệt rêu hại, đây là lý do tại sao nhiều người chơi cá cảnh bị cuốn vào vòng lặp không hồi kết của việc diệt tảo – có tảo mới – tìm kiếm phương pháp chữa trị mới, trong khi hồ không bao giờ sạch tảo trong một thời gian dài. Hãy cố gắng hạn chế chất diệt tảo, phát hiện sớm các khu vực xuất hiện tảo và xử lý cục bộ khu vực đó thay vì xử lý hóa chất diệt tảo trên toàn bộ bể, nó sẽ giết lượng lớn vi sinh vật hữu ích của bạn.

Bạn cũng cần nhớ, nếu phải dùng chất diệt tảo thì nên tăng tần suất thay nước để lám sạch lượng tảo đã chết phân hủy vào nước và giảm nồng độ các chất bẩn trong bể khi mà hệ vi sinh chưa phục hồi khỏe mạnh ngay sau khi diệt tảo. Để có một hệ vi sinh khỏe mạnh hãy thực hiện các bước sau:

Bước 1: Setup hệ thống lọc sinh học hiệu quả

  • Duy trì mức oxy cao trong bể bằng cách nâng đầu out sát mặt nước để làm động mặt nước hoặc sục thêm sủi oxy. Mức oxy cao rất quan trọng đối với hoạt động của vi khuẩn hiếu khí phân hủy Amoniac, Nitrit.
  • Sử dụng chất nền hữu cơ/gốc đất hoặc cát có kích thước phù hợp (2-3mm) trong bể thay vì sỏi kích thước lớn, tăng độ xốp của nền cho phép vi khuẩn xâm nhập tốt hơn.
  • Tốc độ dòng chảy tốt để đưa các mảnh vụn đến bộ lọc: Công suất bộ lọc từ 5X đến 10X so với kích thước bể. Ví dụ: bộ lọc 1000L/giờ trên bể 100L.
  • Duy trì các thông số nước ổn định, tránh tăng đột biến (ví dụ: như hàm lượng kim loại nặng trong nước, độ mặn ..vv)

Bước 2: Kiểm soát chất hữu cơ trong bể

  • Tăng từ từ số lượng vật nuôi trong bể, không thả nhiều trong thời gian 3 tháng đầu khi hệ vi sinh chưa trưởng thành không thể xử lý chất thải từ động vật.
  • Tránh dư thừa thức ăn trong bể
  • Thay nước thường xuyên khi mới setup bể, kết hợp hút sạch chất thải hữu cơ dưới nền.
  • Nuôi động vật dọn đẹp như: tôm, ốc để ăn các mảnh vụn hữu cơ
  • Làm sạch hệ thống lọc, dùng lọc phụ để chặn rác và dễ dàng tháo lắp và làm sạch hàng tháng hoặc 3 tháng 1 lần.

Bước 3: Lựa chọn thực vật khỏe mạnh

  • Vệ sinh sạch sẽ cây cối trước khi trồng vào bể, sử dụng cây khỏe mạnh với số lượng đủ để bao phủ phần lớn chất nền trong bể. Cây chính là bộ lọc hiệu quả, hấp thụ nitrat, nitrit và amonia trong nước, đồng thời cây cũng quang hợp tạo ra oxy giúp hệ vi sinh khỏe mạnh hơn.
  • Quan sát thường xuyên và cắt bỏ những phần già yếu dưới gốc, rễ lá thối hỏng, những phần bị tảo hại bám nhiều, trồng lại các phần ngọn khỏe mạnh.

Ánh sáng

Hệ vi sinh trưởng thành sẽ khoáng hóa các chất hữu cơ tạo thành dinh dưỡng nuôi cây trồng, kết hợp thay nước định kỳ cũng góp phần cung cấp khoáng chất cho cây nhưng lượng khoáng chất này có đủ đáp ứng nhu cầu của cây trồng hay không lại phụ thuộc vào điều kiện chiếu sáng. Ánh sáng là yếu tố then chốt kiểm soát nhu cầu dinh dưỡng, co2 mà cây thủy sinh cần để phát triển, ánh sáng mạnh thì cần nhiều dinh dưỡng và Co2 hơn so với ánh sáng yếu. Ngày nay, tảo hại xuất hiện thường xuyên hơn trong các hệ thống thủy sinh bởi sự xuất hiện của các loại đèn Led có công suất chiếu sáng và độ xuyên thấu mạnh hơn nhiều lần so với các bóng huỳnh quang ngày trước, khi nó được dùng bởi những người chơi chưa có kinh nghiệm thì tảo hại là điều tất yếu xảy ra.

Trong một bể bị tảo hại bùng phát, sau khi đã xử lý các yếu tố tác động đến hệ vi sinh mà rêu tảo hại vẫn không được kiểm soát thì bước tiếp theo bạn cần làm là điều chỉnh lại ánh sáng phù hợp. Đây là lý do vì sao những người chơi thủy sinh có kinh nghiệm đều khuyên giảm cường độ sáng của đèn khi gặp rêu hại, nó dễ dàng hơn nhiều so với việc châm thêm phân nước hoặc duy trì nồng độ co2 cao trong nước liên tục để phù hợp với ánh sáng. Tất nhiên bạn có thể sử dụng ánh sáng cường độ cao giúp bể của bạn trông rực rỡ hơn nhưng đó là khi bạn đã có kinh nghiệm, biết điều chỉnh dinh dưỡng và Co2 phù hợp với điều kiện chiếu sáng đó.

Các loại rêu tảo gây hại và cách tiêu diệt chúng

Danh sách các loại rêu tảo hại thường xuyên xuất hiện trong bể thủy sinh:

Tảo nâu (Brown Algae)

Tảo nâu hay còn gọi là tảo cát, chúng thường xuất hiện trong các bể mới setup khi được gây ra bởi dư thừa hàm lượng phốt phát, amoniac hoặc silicat. Bạn có thể dễ dàng làm sạch bằng cách thả các loại động vật vệ sinh như ốc nerita, tép cảnh. Loại tảo này cũng từ từ biến mất khi bể trưởng thành.

Rêu chùm đen (BBA)

Rêu chùm đen thuộc nhóm tảo đỏ và có thể được tìm thấy với nhiều màu sắc khác nhau như: màu đen, xám, xanh đậm. Rêu chùm đen là loại cứng đầu nhất cần loại bỏ. Nó có thể không gây hại cho vật nuôi tuy nhiên, nếu không được điều trị, nó có thể nhanh chóng phát triển rậm rạp chiếm toàn bộ bể cá. Chùm đen chủ yếu mọc trên lũa, đồ trang trí và thực vật phát triển chậm như ráy, bucep. Nguyên nhân xuất hiện bởi thời gian mức co2 thấp và mức độ phân hủy carbon hữu cơ cao. Bạn có thể điều trị chùm đen hiệu quả bằng dung dịch Glutaral như cidex14, excel hoặc oxy già 3%

Rêu tóc (Aglae Hair)

Đúng như tên gọi, trông giống như mái tóc với các sợi dài, mềm tạo thành các lớp giống như tấm thảm bao phủ thực vật và trang trí trong bể cá. Mối quan tâm chính với tảo tóc là nó phát triển nhanh hơn và có thể khiến bạn khó loại bỏ hơn. Tảo tóc thường được kích hoạt do thừa sắt, không đủ chất dinh dưỡng NPK để cân bằng lượng ánh sáng. Bạn có thể loại bỏ thủ công các khối tảo lớn hơn bằng bàn chải đánh răng, sau đó giảm cường độ chiếu sáng, giới thiệu phân bón đa lượng và vi lượng có tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp hơn. Một số loại tép khi như mũi đỏ, thanh mai khi thả với số lượng lớn có thể ăn tảo tóc nhưng khi hết tảo có thể chúng sẽ chuyển sang ăn ngọn non của cây. Nếu rêu tóc phát triển quá nhanh và phải cần đến phương pháp hóa học bạn có thể sử dụng thuốc diệt tảo tóc này, mình thấy cách dùng đơn giản và được đánh giá cao hiện nay.

Tảo đốm xanh (GSA)

Tảo đốm xanh là một trong những loại phổ biến nhất được tìm thấy trong bể thủy sinh nước ngọt. Mặc dù tảo xanh được coi là tốt, nhưng sự phát triển của nó có thể gây ra vấn đề cho cá và ngăn cản quang hợp khi bám kín bề mặt lá thực vật. Sự phát triển của tảo xanh chủ yếu là do chiếu sáng quá mạnh nhưng thiếu photphate trong nước. Bạn có thể loại bỏ nó bằng cách giảm cường độ sáng, thả ốc nerita, tép và châm thêm phân nước photphate. Nếu cần làm sạch nhanh có thể rút nước và pha loãng dung dịch Glutaral như cidex14, Excel để xịt

Tảo nhớt xanh (Vi khuẩn lam)

Tảo lam là một dạng vi khuẩn lam, nó sinh sôi nảy nở và bắt đầu bao phủ chất nền, cây cối và đồ trang trí bằng một lớp nhầy nhụa, mùi hắc khó chịu. Hãy kiểm soát nó ngay khi phát hiện vì nó gây hại cho động thực vật trong bể. Có ít thông tin về nguyên nhân gây ra sự bùng phát của tảo lam, nhưng theo như quan sát từ những người chơi có kinh nghiệm thì vi khuẩn làm bùng phát khi thiếu Nitrat. Bạn có thể thử loại bỏ nó bằng cách dùng ống tiêm xilanh để hút nó ra, bên cạnh đó tăng cường nồng độ nitrat cho nước của bạn. Nếu muốn tiêu diệt nó ngay lập tức, bạn có thể sử dụng viên kháng sinh Erythromycin nghiền nát là đổ trực tiếp vào nước trong hồ, đây là kháng sinh, hãy thận trọng khi định lượng cho bể của bạn, vì nó có thể gây hại cho vi khuẩn nitrat hóa trong bộ lọc sinh học.

Tảo nước xanh (Green Water)

Chúng xuất hiện khi nhiệt độ tăng cao đột ngột kết hợp với nồng độ hữu cơ cao trong nước, thường bị ở các bể có ánh sáng mặt trời chiếu vào trực tiếp. Bạn có thể xử lý bằng cách thực hiện các biện pháp che chắn để giảm bớt ánh sáng trực tiếp vào nước và giảm nhiệt độ nước, chạy bộ lọc với đèn UV để tiêu diệt các bào tử tảo nước xanh trong nước. Thay nước và làm sạch các chất hữu cơ trôi nổi trong bể. Nếu cần tiêu diệt tảo ngay lập tức có thể kết hợp sử dụng thêm sản phẩm diệt tảo này.

Viết một bình luận